0935.059.555

Năm 2017, lợi nhuận ngành thép khó tăng đột biến

Trong năm 2016, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong ngành thép nhìn chung đều có xu hướng tăng mạnh.

Năm 2017, lợi nhuận ngành thép khó tăng đột biến Năm 2017, lợi nhuận ngành thép khó tăng đột biến

Có lãi, nhưng không bằng năm ngoái

Lý giải hiện tượng này, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc nghiệp vụ đầu tư quỹ Dragon Capital cho rằng, năm vừa qua sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp thép đều tăng mạnh nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản. Nhu cầu xây dựng căn hộ tăng cao giúp nhiều doanh nghiệp như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim hoạt động gần như tối đa công suất.

Bên cạnh đó, giá thép thế giới phục hồi mạnh, kéo theo sự phục hồi của giá thép trong nước giúp các doanh nghiệp mở rộng biên lợi nhuận gộp.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, năm nay yếu tố biến động mạnh của giá thép sẽ không còn nên các doanh nghiệp thép mặc dù vẫn sẽ hoạt động có lãi nhưng có thể khó có mức tăng trưởng đột biến như năm ngoái.  Để minh họa cho nhận định này, ông chỉ ra tại quý 1/2017, lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp thép như thép Việt Đức, Gang thép Thái Nguyên, thậm chí là Hoa Sen đã tăng trưởng chậm lại.

Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Võ Nguyễn Khoa Tuấn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, năm 2017 tuy ngành thép không còn mức tăng trưởng đột biến nhưng giá thép sẽ không thể rơi về mức thấp như năm 2014 và 2015.

Cơ hội trong khó khăn

Theo thống kê, hiện nay lượng thép tiêu thụ trên đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp khi so với các quốc gia phát triển khác.

Số liệu năm 2015 cho thấy, lượng thép tiêu thụ tại Việt Nam đạt 195 kg/người, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (489 kg/người), Nhật Bản (497 kg/người), Mỹ (297 kg/người) hay Hàn Quốc (1.136 kg/người). Điều này thể hiện ngành thép trong tương lai vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Mặc dù vậy, cùng với việc ký kết các hiệp định thương mại, các cam kết về thuế quan, thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam sẽ chỉ dao động ở mức 0,69% – 7,55% trong giai đoạn 2015-2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo. Đó là chưa kể thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn đang tuồn vào trong nước với lượng lớn. Do đó, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép Việt sẽ ngày càng lớn.

Để đối mặt với áp lực cạnh tranh trên, các diễn giả cho rằng các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện, nâng cao chuỗi giá trị. Cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt sẽ có 3 hướng đi chính.

Đó là tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín. Việc này sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu.

Doanh nghiệp cũng nên đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ. Đây đều là những phân khúc còn tiềm năng tăng trưởng tốt cho các doanh nghiệp thép Việt.

Ngoài ra, việc xây dựng một hệ thống phân phối mạnh giúp các doanh nghiệp chủ động, và có vị thế hơn trong việc áp định giá bán. Mô hình này được áp dụng thành công bởi Thép Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen. Điển hình như năm 2015, khi giá thép cuộn cán nóng giảm nhưng giá bán thành phẩm tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen lại giảm chậm hơn, giúp biên lợi nhuận gộp được duy trì.

Nguồn : https://cafeland.vn/tin-tuc/nam-2017-loi-nhuan-nganh-thep-kho-tang-dot-bien-67013.html

Liên hệ